Mục Lục
Quản lý tài chính cá nhân là gì ?
Quản lý tài chính cá nhân là cách thức chia các khoản thu hàng tháng để có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư cho phù hợp với tình hình tài chính cá nhân và gia đình.
Hiện nay tùy vào nhu cầu quản lý mà ta chia thành 3 phương pháp sau:
- Quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ
- Quản lý tài chính cá nhân theo tỷ lệ 50/30/20
- Quản lý tài chính cá nhân 2 cái xô
- Quản lý tài chính cá nhân 5 cái hộp
Quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ

Đây là phương pháp được T.Harv Eker tác cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú (Secrets of the Millionaire Mind) đề cập đến tại trang 213 phần Tư duy triệu phú số 14:
Người giàu quản lý tiến của họ rất giỏi. Người nghèo không biết quản lý tiền của họ
phần quy tắc thịnh vượng số 32:
Thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.
Theo quan điểm của tác giả thì không cần biết thu nhập của các bạn là bao nhiêu nhưng các bạn phải luôn luôn chia số tiền của các bạn vào 6 cái lọ với một tỷ lệ nhất định cụ thể:
- 55% Nhu yếu phẩm hay nhu cầu thiết yếu
- 10% Tiết kiệm dài hạn
- 10% Tự do tài chính
- 10% Phát triển bản thân hay quỹ giáo dục
- 10% Hưởng thụ
- 5% Giúp đỡ người khác
Như vậy, theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 10 nghìn đồng, bạn vẫn phải bắt đầu với phương pháp này.
Hãy chia tiền của bạn thành 6 cái lọ hoặc 6 tài khoản ngân hàng, hay còn gọi là 6 quỹ tài chính. Bạn lưu ý, 6 quỹ này hoàn toàn tách biệt với nhau. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Việc này cần làm ngay và làm để tạo thành thói quen.
Quản lý tài chính cá nhân nhu cầu thiết yếu (55%)
Nhu cầu thiết yếu hiểu một cách đơn giản đó là nhu cầu để đáp ứng cuộc sống hằng ngày như: ăn uống, điện thoại, xăng xe, các loại tiền điện, tiền nước, tiền nhà, quần áo và các chí phí khác.
55% cho nhu cầu thiết yếu một con số tưởng chừng như quá nhiều cho một nhu cầu. Nhưng ở Việt Nam để sống tốt với 55% đó lại là cả một vấn đề, chúng ta hãy làm một phép tính đơn giản. Một người lương 10tr dù có ăn uống tằn tiện thế nào đi chăng nữa thì chỉ riêng tiền ăn cả bữa sáng lẫn bữa trưa cũng mất 50k/ngày hay 1100k/tháng. Như vậy, chỉ tính tiền ăn người đó ăn trong những ngày làm việc đã mất 1.100.000. Thực tế tiền ăn có thể rơi vào 1.500.000/tháng, xăng xe tiết kiệm cũng mất 50k/tuần hay 200k/tháng. Do đó, mới chỉ tính tiền ăn và xăng xe người đó đã mất gần 2tr và chỉ còn 3tr5 để dùng cho 1 tháng. Tất nhiên, mỗi người mỗi hoàn cảnh nên tất cả con số tính toán đều mang tính tham khảo, nhưng chúng ta hãy cố gắng chỉ chi 55% cho nhu cầu thiết yếu mà thôi.
Quản lý tài chính cá nhân với tài khoản tiết kiệm (10%)
Tài khoản này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Do đó, ta phải chia 10% thu nhập này thành 2 phần bằng nhau cho 2 mục đích khác nhau. Thực tế, ta nên ưu tiên 10% này cho những trường hợp khẩn cấp (tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) sau khi có được khoản đó rồi thì chúng ta mới nên thực hiện chia thành 2 phần. Lúc đó hàng tháng ta sẽ bỏ 5% cho mục đích dùng cho những trường hợp khẩn cấp và 5% còn lại mới bắt đầu dùng cho những mục đích dài hạn như mua xe, mua điện thoại…
Quản lý tài chính cá nhân với quỹ giáo dục đào tạo (10%)
Bạn cần trích 10% thu nhập cho việc học thêm, trau dồi kiển thức của bạn thân. Bạn có thể dùng quỹ giáo dục (EDU) này để mua sách, tham gia các khóa học, đào tạo, các buổi gặp gỡ chia sẻ từ những người thành công.
Đầu tư vào giáo dục cũng chính là đầu tư vào bản thân. Tác dụng của tài khoản này là giúp bạn không ngừng phát triển năng lực bản thân, từ đó có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn.
Quản lý tài chính cá nhân với quỹ hưởng thụ (10%)
Để trở thành một người thành công và tự do thì tâm hồn của bạn cũng cần hạnh phúc. Nên sau một tuần làm việc chăm chỉ bạn hãy dành số tiền này để ‘nuông chiều’ bản thân, chăm sóc sức khỏe và tinh thần mình một cách ‘sang chảnh’ hơn.
Hãy tự thưởng cho bản thân một cái váy cực xinh, một bữa tối thịnh soạn, đi xem buổi biểu diễn âm nhạc mình yêu thích hoặc làm bất kỳ điều gì mình mong muốn mà không cần phải lo lắng về việc liệu có chi quá tay không bởi vì chúng ta đã chia tiền thành các khoản vào 6 cái lọ khác nhau rồi. Đây là cách giúp bạn cân bằng cuộc sống và tự do tài chính, bạn cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu có một tinh thần thoải mái. Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ đừng chi quá tay cào khoản này nhé.
Harv Eker khuyến cáo bạn nên tiêu hết tiền của quỹ này ngay khi một tháng kết thúc. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hưởng một dịch vụ đắt đỏ hơn, muốn đi một chuyến du lịch xa hơn, bạn có thể tiết kiệm quỹ này trong một quý trước khi sử dụng.
Quản lý tài chính cá nhân với quỹ giúp đỡ người khác (5%)
Mục đích của số tiền trong lọ này là cho đi và thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Đơn giản là dành một phần tiền để giúp đỡ người thân, bạn bè, rồi xa hơn là đóng góp vào từ thiện, chia sẻ với những người nghèo khó ngoài xã hội. Bạn hãy cho đi và sẽ nhận lại những điều tuyệt vời mà bạn không ngờ tới đấy.
Tuy nhiên theo tôi đây là khoản không bắt buộc mà tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người để điều chỉnh cho phù hợp với lối sống của bản thân và lòng vẫn thấy thoải mái.
Quản lý tài chính cá nhân với quỹ tự do tài chính (10%)
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính.
Bạn không được tiêu tiền trong quỹ này, tiền của quỹ này chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thu động cho bạn. Lập quỹ này cũng giống như bạn nuôi một con ngỗng để nó đẻ trứng vàng cho bạn, vì thế bạn tuyệt đối không được ăn thịt ngỗng (tức là không được tiêu tiền trong quỹ).
Nguyên tắc áp dụng phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ
- Để áp dụng phương pháp này hiệu quả, bạn cần nhớ việc cho tiền vào các lọ cần thực hiện hàng ngày, lúc đó nếu số tiền chỉ tăng vào cuối tháng tức là bạn đang làm công ăn lương. Lời khuyên là bạn nên tìm thêm các nguồn nguồn thu nhập thụ động khác cho mình.
- Theo quan điểm của T. Harv Eker thì quỹ hưởng thụ bắt buộc phải tiêu hết vào cuối mỗi tháng. Điều đó làm bạn có thêm động lực để phấn đấu nhằm đạt được mục tiêu tài chính của chính mình
- Quỹ tự do tài chính là một trong những quỹ bạn không bao giờ được phép sờ tới. Hãy nhớ đó là quỹ chỉ thêm vào chứ không bớt đi
Quản lý tài chính cá nhân với tỷ lệ 50/30/20

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì 2 phương pháp quản lý tài chính cá nhân biến hóa của phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ.
Quản lý tài chính cá nhân phần nhu cầu thiết yếu (50%)
Giống phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ bạn cần phải cố gắng co kéo để đảm bảo các nhu cầu thiết yêu không vượt quá 50% tổng thu nhập của bạn hay gia đình bạn.
Nói một cách rõ ràng, chi phí thiết yếu là những khoản mà bạn chắc chắn phải bỏ ra bất kể bạn ở đâu, làm gì hay có kế hoạch gì trong tương lai. Thông thường, những chi phí này thường giống nhau ở hầu hết mọi người, bao gồm tiền ăn, tiền ở, chi phí đi lại và các hóa đơn tiện ích như điện, nước.
Hãy cố gắng để tổng chi phí thiết yếu không vượt quá 50% lương. Nhưng nếu con số đó lớn hơn 50%, hãy thử giảm tiền các hóa đơn xuống như sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân,…Mà nếu không thể làm được điều đó nữa thì bắt buộc bạn phải giảm 5% ở mỗi danh mục tiếp theo. (Các chuyên gia khuyên bạn cắt giảm ở phần chi tiêu cá nhân, chứ không nên giảm ở mục tiêu tài chính).
Quản lý tài chính cá nhân phần mục tiêu tài chính (20%)
Bản chất phần mục tiêu tài chính này nó được gộp phần quỹ tự do tài chính với tiết kiệm dài hạn. Ở bước này là bạn dành 20% lương để dành cho mục tiêu tài chính bao gồm tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và tự do tài chính. Danh mục này chỉ nên được bổ sung khi danh mục chi phí thiết yếu đã được xét đến và trước khi bạn kịp nghĩ đến bất cứ điều gì thuộc danh mục chi tiêu cá nhân.
Nếu bạn đạt được mục tiêu 50% hoặc ít hơn thu nhập dành cho chi phí thiết yếu và 20% hoặc lớn hơn dành cho mục tiêu tài chính, bạn sẽ có thể trả nợ nhanh hơn hoặc nếu không bạn sẽ ít phải lo lắng hơn khi bước vào tuổi nghỉ hưu. “Nghỉ hưu” có thể là một khái niệm cần thiết ở tuổi 20, 30 nhưng hãy nhớ bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm bao nhiêu thì tuổi già của bạn càng thoải mái bấy nhiêu khi không phải nghĩ đến chuyện tích cóp hằng ngày.
Quản lý tài chính cá nhân phần chi tiêu cá nhân (30%)
Nếu bạn đối chiếu với phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lo bạn có thể thấy phần chi tiêu cá nhân ở phương pháp này bản chất là quỹ hưởng thụ, quỹ giúp đỡ người khác, quỹ giáo dục đào tạo và 1 phần quỹ nhu cầu thiết yếu.
Đây là danh mục cuối cùng và cũng là yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong ngân sách của bạn – những chi phí không thiết yếu. Một số chuyên gia tài chính xem xét đây là danh mục hoàn toàn linh hoạt nhưng trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cho rằng một số thứ thuộc những thứ “xa xỉ” là một phần không thể thiếu với họ. Lý do danh mục này chiếm phần trăm lớn hơn mục tiêu tài chính là bởi có quá nhiều thứ thuộc vào đây.
Những chi phí phục vụ cuộc sống cá nhân bao gồm tiền điện thoại, thực phẩm giải trí, du lịch, mua sắm,…Cũng giống như danh mục chi phí thiết yếu, 30% là tỷ lệ tối đa bạn nên dành cho cuộc sống cá nhân. Chi phí thuộc danh mục này càng ít tương lại tài chính càng được đảm bảo khi bạn về hưu.
Quản lý tài chính cá nhân 2 cái xô
Đây là phương pháp quản lý tài chính cá nhân mình học được từ anh Trương Văn Hòa admin của blog thu nhập đầu tư mà bản thân anh học được từ ngài Tony Robbins. Tuy nhiên, mình nghĩ cách quản lý này không thực sự phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam. Mình khuyên các bạn thời gian đầu chưa nên áp dụng cách quản lý này. Phương pháp này được chia thành 2 phần hay còn được gọi là 2 cái xô. Bạn chú ý điều chỉnh tỷ lệ % cho phù hợp nhé, có thể để 50% – 50%
Quản lý tài chính cá nhân với cái xô tiêu dùng (30%)
Xô tiêu dùng hay còn được gọi là xô giải quyết các vấn đề nhu cầu của bản thân, chi tiêu hằng ngày, dài hạn, giáo dục đào tạo, hưởng thu và cho đi. Về cơ bản, nó giống hệt phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ, chỉ trừ một lọ đầu tư.
Quản lý tài chính cá nhân với cái xô đầu tư (70%)
Ở cái xô này bạn lại tiếp tục chia thành ba phần tiếp theo với tỷ lệ 30 – 30 – 40 tương ứng với 3 khoản: đầu tư mạo hiểm, đầu tư kinh doanh và đầu tư dài hạn.
- Đầu tư mạo hiểm (30%): Coin, lướt sóng chứng khoán… các phi vụ một vốn 10 lời thì dùng khoản này, mất thì thôi, không ảnh hưởng đến cuộc sống của ai.
- Đầu tư kinh doanh: Mở công ty, góp vốn, nhập hàng, buôn bán… dùng khoản này. Đầu tư kiểu này có rủi ro nhưng thấp.
- Đầu tư dài hạn (40%): Mua đất, chứng khoán, mua vàng cất giữ… Khoản đầu tư này lợi nhuận cực thấp nhưng không bao giờ mất, có thể coi đây là của để dành.
Theo quan điểm cá nhân của mình thì phương pháp quản lý tài chính cá nhân này chỉ thực sự phù hợp với những người có thu nhập cao. Bạn có thể xem thêm phương pháp này trên trang doanh nhân sài gòn dễ hiểu thêm hoặc bạn có thể xem video do anh Trương Văn Hòa chia sẻ.
Quản lý tài chính cá nhân 5 cái hộp
Đây là phương pháp quản lý tài chính cá nhân đầu tiên mình được tiếp cận, phương pháp này được nhà tỷ phú Lý Gia Thành người Hồng Công, Trung quốc chia sẻ. Đó là 5 nguyên tắc chi tiêu đúng đắn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để trở nên giàu có với tiền lương chỉ 7 triệu mỗi tháng ?

Quản lý tài chính cá nhân với hộp nhu cầu thiết yếu (30% ~ 2,1 triệu)
Đây là khoản tiền để phục vụ cho những nhu cầu cá nhân. Bất luận thế nào đi chăng nữa, mỗi ngày bạn chỉ được tiêu trung bình khoảng 70.000 đồng. Bạn có thể chuẩn bị bữa sáng để tiết kiệm. Bữa trưa với phần cơm văn phòng và bữa tối hãy tự chuẩn bị ở nhà để đảm bảo dinh dưỡng với đầy đủ rau và trái cây.
Quản lý tài chính cá nhân với hộp quan hệ (20% ~ 1,4 triệu)
Hộp này dùng để mở rộng mối quan hệ, phục vụ cho việc phát triển những mối quan hệ quan trọng. Trong đó, 350.000 đồng bạn có thể sử dụng là tiền nạp điện thoại. Và nên nhớ, người bạn chọn để chiêu đãi phải là người nhiều tiền hơn bạn, tư tưởng tiến bộ hơn bạn, giỏi hơn bạn, và sẽ cảm kích nếu bạn nhiệt tình khoản đãi họ. Duy trì việc này 2 lần 1 tháng thì 1 năm sau chắc chắn những người mà bạn giao thiệp sẽ đem lại cho bạn rất nhiều điều như danh vọng, sức ảnh hưởng, hình tượng “hàng xảng”.
Đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ có một quỹ riêng để đầu tư cho việc quan hệ này hay chưa? Theo vị tỷ phú này thì hầu hết mọi người đều đặc biệt tiêu tiền cho những cuộc ăn chơi. Tuy nhiên, một tháng bao nhiêu là đủ thì không bao giờ kiểm soát. “Đã bao giờ bạn nghĩ sẽ mời người bạn giỏi hơn mình ăn tối để học hỏi hay chưa, tôi tin rằng có đến 80% mọi người đều chưa đầu tư vào các mối quan hệ chất lượng”, vị tỷ phú này chia sẻ.
Lấy cảm hứng từ câu nói, “quan hệ là tiền tệ”, ông Thành cho biết khi bạn có càng nhiều mối quan hệ chất lượng thì bạn cơ hội thành công của bạn càng nhanh chóng. Bạn có càng nhiều sự giúp đỡ thì bạn càng dễ dàng để thành công. Hãy dành thời gian và tiền bạc để xây dựng những mối quan hệ với những người xuất sắc và giỏi hơn bạn. Họ sẽ giúp đỡ bạn phát triển nhanh hơn, họ sẽ mở rộng những mối quan hệ cho bạn và sẽ giúp bạn xây dựng được nền tảng cho sự nghiệp của mình.
Quản lý tài chính cá nhân với hộp học tập (15% ~ 1,05 triệu)
Hộp này bạn nên dùng 15% tức 1,05 triệu đồng dùng cho mục đích học tập bởi vì theo chia sẻ của ông thì bạn nên dành từ 80.000 đồng-350.000 đồng để mua sách nâng cao kiến thức. Vì theo ông, 90% người giàu nhất thế giới đều đọc sách mỗi ngày. Ví dụ như gia độc người Do Thái, dân tộc có nhiều thành công và hạnh phúc nhất thế giới thì trung bình mỗi người đọc trên 60 quyển sách mỗi năm. Ở Nhật, một đất nước bận rộn thì con số này là 10-20 cuốn mỗi năm. Còn ở Trung Quốc là 4,66 cuốn mỗi năm. Tuy nhiên ở Việt Nam, người Việt lại đọc chưa tới 1 cuốn sách một năm.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có và thành công thì nhất định bạn phải đọc sách. Hãy nghiêm túc đọc những cuốn sách mà mình đã bỏ tiền ra để mua, bởi tiền không phải là giấy. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách nào, bạn cũng nên biến chúng thành ngôn ngữ của mình để truyền đạt và chia sẻ lại với những người khác nhằm đề cao uy tín và năng lực đánh giá của bản thân.
Số tiền còn lại, bạn nên dành để tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm. Qua những khóa học, bạn không những trau dồi thêm kiến thức mà còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người, mở rộng mối quan hệ của mình.
Quản lý tài chính cá nhân với hộp hưởng thụ (10% ~ 700k)
Số tiền trong hộp này bạn hãy dùng nó cho mục đích du lịch. Theo ông Thành, chúng ta trưởng thành lên nhờ tiếp thu những kinh nghiệm từ quá trình trải nghiệm không ngừng. Do đó, bạn đừng quên tự thưởng cho mình ít nhất 1 chuyến du lịch mỗi năm để mở mang kiến thức và trưởng thành hơn. Kỉ niệm và kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi sẽ giúp bạn có thêm năng lượng, lòng nhiệt thành để sống học tập và làm việc.
Quản lý tài chính cá nhân với hộp đầu tư (25% ~ 1,75 triệu)
Mục đích của khoản tiền này là dùng để đầu tư. Ban đầu khi còn ít vốn, bạn có thể học cách kinh doanh một mặt hàng nào đó. Bên cạnh lợi nhuận thì điều mà việc này đem lại cho bạn là kinh nghiệm và sự khéo léo trong làm ăn. Khi số vốn trong tay đã dư giả, bạn có thể bắt đầu các kế hoạch đầu tư lâu dài. Theo chia sẻ của tỷ phú Lý Gia Thành, việc bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh sẽ giúp bạn gầy dựng được một tương lai vững chắc. Bất luận sau này xảy ra biến cố gì thì với những khoản đầu tư ấy bạn vẫn có thể có được một cuộc sống chất lượng mà không phải lo toan quá nhiều.
Bạn nên thực hành cách chi tiêu này trong thời gian ít nhất 1 năm. Nếu năm thứ 2, thu nhập hàng tháng của bạn vẫn giữ nguyên hoặc bị sụt giảm thì bạn nên nhìn lại các kế hoạch chi tiêu và đầu tư của mình. Và ông cũng lưu ý rằng, đầu tư cũng đòi hỏi phải học hỏi và tìm hiểu kĩ lưỡng kẻo tiền mất tật mang.
Kết luận
Trong phần này, mình đã chia sẻ tới các bạn 4 phương pháp quản lý tài chính cá nhân mà mình đã được tiếp cận. Về cơ bản, các bạn có thể thấy 3 phương pháp sau về bản chất là nó biến tấu từ phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ và nó được thay đổi cho phù hợp với người dùng mà thôi. Đồng thời, để tăng hiệu quả mình khuyên các bạn nên sử dụng ứng dụng sổ thu chi misa để quản lý và theo dõi hiệu quả hơn. Ứng dụng này có sẵn phương pháp quản lý tài chính cá nhân 6 cái lọ để bạn có thể rèn luyện kỹ năng quản lý 1 cách thành thục.
Xem thêm: Sổ thu chi Misa và 6 tính năng của sổ thu chi Misa
Trả lời